Những năm tháng cấp 3 là khoảng thời gian các bạn học sinh bắt đầu cân nhắc nhiều hơn đến việc chọn cho mình một công việc trong tương lai, đây được xem là ngả rẽ quan trọng của cuộc đời. Dựa trên hàng nghìn bài luận gửi về cho cuộc thi Thực hiện ước mơ lần 3, có thể thấy xu hướng chọn nghề của các teen xoay quanh một vài tiêu chí phổ biến.
Chọn nghề đúng sở trường
Đây là tiêu chí được rất nhiều bạn lựa chọn để định hướng nghề nghiệp cho mình. Không khó để lí giải bởi người ta vốn thích làm những gì người ta giỏi, vì khi đó họ thấy tự tin hơn với công việc và có cơ hội phát huy tối đa năng lực của mình.
Bạn Phùng Thị Mỹ Duyên, trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Tây Ninh) đã chia sẻ trong bài luận: “Năm học lớp 9, em được đại diện trường tham gia cuộc thi Học sinh giỏi môn Sinh cấp tỉnh và may mắn đạt giải Ba. Em rất vui và sẽ tiếp tục phấn đấu trong các kì thi tới. Em được biết môn Sinh học thuộc khối B trong các khối thi Đại học. Hướng theo đó, em đã nuôi suy nghĩ trong tương lai sẽ thi vào khối B, cụ thể trường Đại học Công nghệ thực phẩm. Em mơ ước trở thành một chuyên gia nghiên cứu thực phẩm”.
Bạn Lê Kim Long, trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) kể lại câu chuyện của mình: “Một buổi chiều chủ nhật, mẹ chở đi ngang sân bay. Thấy một máy bay cất cánh, bỗng tôi nảy ra ý tưởng điên rồ nhất của mình, làm một điều khiển không lưu. Tôi có vốn tiếng Anh tốt, tôi làm việc dưới áp lực được, tôi biết cách sắp xếp… quá phù hợp cho công việc này rồi còn gì nữa… Tuy tôi chưa biết khối thi cụ thể nhưng tôi cảm thấy ổn, vì tôi có nền tảng Hóa cho khối A và Anh cho A1 và D”.
Học sinh trường Mạc Đĩnh Chi đang làm bài thi Thực Hiện Ước Mơ
Có thể thấy, sở trường (thường bao hàm cả sở thích) là bệ phóng “đắc lực” để các bạn trẻ không ngừng ước mơ và biết tận dụng thế mạnh của mình đề hiện thực hóa ước mơ đó.
Chọn nghề hiếm lạ
“Ước mơ của tôi là một ngày nào đó có thể trở thành một giám định viên pháp y xuất sắc. Giám định pháp y là một hoạt động giám định trong lĩnh vực y khoa để phục vụ công tác pháp luật, phục vụ cho việc xét xử các vụ án với các hoạt động đặc trưng như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, mổ xác, xác định thương tật, tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu thân thế bị xâm hại, kiểm tra xác định tang chứng, vật chứng”, đó là những chia sẻ của bạn Nguyễn Hữu Chinh, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Vũng Tàu). Tại sao lại phải chọn nghề hiếm lạ để dấn thân vào một con đường khác biệt so với mọi người? Vì vốn dĩ khác biệt là đặc thù của tuổi trẻ. Và cũng chính vì trẻ nên các bạn là những người dám nghĩ dám làm, can đảm thử sức với những điều đặc biệt cũng như những môi trường mang tính thử thách cao.
Bên cạnh đó, một lí do thuyết phục hơn chính là các bạn học sinh đã nhận thấy được nhu cầu của xã hội đối với những ngành nghề này. Trong bài luận của mình, bạn Lê Minh Hoàng, trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) đã viết: “Ước mơ của em là làm kĩ sư trong ngành điện hạt nhân. Em yêu thích nghề này là do đây là ngành mà đất nước đang thiếu người tài và đây là ngành rất quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời phù hợp với khả năng của em”.
Nguồn nhân lực cho những nghề đặc biệt như thế trở nên khan hiếm hơn do hầu hết chúng đều có những đòi hỏi mà không nhiều người có thể đáp ứng được. Chính vì vậy, chọn nghề hiếm lạ là một trong những cách vừa dễ để có được việc làm (nhất là khi tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng), cũng vừa khó vì cần sự nỗ lực gấp hai, ba lần người khác, đôi khi cần cả năng khiếu bẩm sinh. Để thành công trong những nghề hiếm lạ, học sinh không chỉ biết ước mơ và can đảm để làm nên khác biệt mà còn phải tìm hiểu thật kĩ về nghề và suy xét cẩn thận thực lực của bản thân.
Chọn nghề theo truyền thống gia đình
Gia đình giúp hình thành nhân cách, từ nhân cách mà biết mình thích gì và muốn trở thành ai trong tương lai. Gia đình là động lực, rất nhiều bạn đã chọn nghề xuất phát từ gia cảnh của bản thân: điều kiện tài chính khó khăn nên ba mẹ cực nhọc, người thân ra đi vì bệnh tật v.v. Hơn nữa, gia đình còn là nền tảng cho những ước mơ, không ít các teen khao khát viết tiếp truyền thống, duy trì và phát triển công việc của ông bà, ba mẹ… Bạn Ngô Thị Kim Nga, trường THCS-THPT Duy Tân (TP.HCM) là minh chứng điển hình: “Tôi thích học quản trị kinh doanh với mong ước từ xe chè nhỏ của mẹ để tôi có thể liên kết mở rộng thêm vài xe chè và hướng dẫn cho các em nhỏ lang thang trên đường phố có việc làm. Chúng tôi sẽ mở rộng từ xe chè thành quán chè, thêm vài địa điểm để trở thành chuỗi cửa hàng chè của cô chủ nhỏ Kim Nga, “Chè Kim Nga” ”
Làm tiếp công việc của thế hệ đi trước là cách các teen thể hiện tình yêu đối với gia đình của mình. Như bạn Lê Thị Mỹ Trúc, trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Tây Ninh) bày tỏ: “Tôi mơ ước mình có thể trở thành một nhà quản trị kinh doanh nổi tiếng và tôi sẽ kinh doanh về may mặc. Tôi yêu thích nó bởi tôi muốn phát triển con đường mà ba mẹ đang bước, tôi muốn những bộ quần áo ba mẹ may trải rộng khắp thế giới này”. Với việc lựa chọn con đường tiếp nối, các bạn học sinh đã có “bàn đạp” là sự hỗ trợ từ người thân. Tuy nhiên các bạn phải thật sự gắn bó khăng khít với truyền thống, với công việc của gia đình mới có thể thấm nhuần và tiếp tục sự nghiệp, vì bởi tình yêu dù lớn thế nào cũng không thể giúp bạn thành công nếu không cộng hưởng với sở thích và năng lực.
Mùa thi này, với rất nhiều ước mơ nghề nghiệp được chia sẻ, mỗi thí sinh đều có một cách chọn nghề khác nhau, nhưng tựu chung lại, các bạn đều có những ý tưởng hướng đến một giá trị xã hội mà bản thân các bạn mong muốn được đóng góp công sức.
Box thông tin:
Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần 3, năm học 2014-2015 do Thành Đoàn và Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM tổ chức, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM và Viện Đào tạo Quốc tế – Đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp thực hiện. Được tổ chức từ đầu tháng 10/2014, vòng sơ loại cuộc thi đã thu hút hơn 150.000 thí sinh dự thi, 70 bài luận về ước mơ nghề nghiệp đã được chọn vào vòng bán kết và các thí sinh này sẽ được tập huấn kỹ năng cần thiết vào ngày 17, 18/2015 tại Hội trường Thành Đoàn TP.HCM. Sau đó, thí sinh sẽ trình bày ước mơ nghề nghiệp trước ban giám khảo. 5 thí sinh xuất sắc sẽ được chọn vào vòng chung kết và chỉ một thí sinh xuất sắc nhất nhận được suất học bổng học phí toàn phần tại ĐH Western Sydney (Úc) trị giá 75.000 AUD.