Truyền thống và hiện đại là những yếu tố luôn có mặt trong đời sống, trên mọi lĩnh vực của xã hội. Không hẳn là tách biệt nhau, chúng tồn tại song song và làm thành diện mạo văn hóa đương thời.
Cô gái “Cải tiến chuông báo xe buýt”
Trong năm 2013 vừa qua, Tạ Thu Thủy là một trong năm sinh viên xuất sắc được trao “Giải thưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông” lần 5 năm 2013 do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trao tặng. Đây là giải thưởng cao quý dành cho sinh viên có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ truyền thông. Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính tại trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM với tấm bằng loại giỏi 2014, cô bạn Thu Thủy được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh, tiếp tục học lên thạc sĩ khoa học máy tính.
Nếu gặp lần đầu, ít ai nghĩ rằng cô gái có ngoại hình nhỏ nhắn này lại là một nữ sinh viên nổi tiếng với nhiều giải thưởng và công trình nghiên cứu sáng tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin. Giữa giữa hàng trăm sinh viên khác trên giảng đường đại học thật dễ để nhận ra cô bạn Thu Thủy, bởi sinh viên nữ theo học ngành này thường không nhiều. Việc nghiên cứu ngành học đòi hỏi người theo đuổi phải sở hữu cá tính thật mạnh mẽ và bền bỉ, cô bạn nhỏ Thu Thủy đã làm được điều này bằng sự say mê, cố gắng của mình.
Thủy có thể ngồi hàng giờ liền trong thư viện chỉ để đào sâu nghiên cứu và tìm tòi về khoa học máy tính. Với thành tích học tập xuất sắc, cô còn từng là gương mặt được Trung Ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin năm 2012. Tuy nhiên, thành tích đáng nhớ nhất của Thủy là giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ ĐHQG TP.HCM với đề tài “Cải tiến chuông báo xe buýt”. Chính giải thưởng này đã đưa cái tên Tạ Thu Thủy trở nên nổi tiếng, là triển vọng mới của lĩnh vực công nghệ. Ý tưởng của cô được đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn, cũng như tính khả thi cao.
Những ai thường xuyên sử dụng phương tiện xe buýt chắc hẳn sẽ nhận thấy chuông xe bus hiện nay bị hư hỏng nhiều và ít được sử dụng. Dẫn đến những rắc rối như hành khách không xuống đúng trạm vì tài xế không nghe thông báo hoặc gần đến trạm mới dừng đột ngột, có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, “Cải tiến chuông báo xe buýt” đã ra đời để giải quyết những vấn đề này, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Cô bạn Tạ Thu Thủy sẽ giới thiệu cách thức hoạt động của ý tưởng cải tiến này trong chuyên mục “Chân dung trẻ”của chương trình “Nhịp sống trẻ”.
Nghề làm đàn ghita ở Sài Gòn
Ở quận 4, thành phố Hồ chí Minh, nghề làm đàn ghita, hay còn gọi là Tây Ban Cầm, đã hình thành và phát triển từ hơn nửa thế kỷ trước. Trải qua biết bao đổi thay của lịch sử, đến hôm nay, cái nghề độc đáo này vẫn đang tiếp tục tồn tại với những người thợ tâm huyết, như một giá trị văn hóa truyền thống giữa nhịp sống của một thành phố hiện đại.
Khởi đầu, các cố đạo, lính viễn chinh Pháp thường mang những cây đàn bị hỏng đến cho thợ mộc người Việt sửa chữa. Đàn ghita thời gian này còn hiếm, chỉ có thể đặt mua từ nước ngoài mang về nên giá thành rất cao. Người chơi đàn muốn có một cây để dùng mà không mua được đã phải tự mày mò học, mua đàn cũ, hỏng, rồi tháo từng bộ phận để tìm hiểu. Từ đó, những người yêu đàn tự học hỏi lẫn nhau để biết cách sản xuất và sửa chữa ghita.
Trần Văn Sô được coi là người đã khai sinh ra làng nghề làm đàn truyền thống của Sài Gòn. Ông Sô sinh năm 1928 ở Nam Định, sau di cư vào Sài Gòn làm nghề mộc ở quận 4. Khoảng năm 1950, ông chuyển hẳn sang nghề chế tạo đàn ghita. Làng nghề quận 4 được hình thành và duy trì đến tận ngày hôm nay.
Trong chương trình “Nhịp sống trẻ”, chuyên mục “Điểm đến trẻ” sẽ đến thăm cơ sở sản xuất ghita của ông Nguyễn Văn Trân (tên thường gọi là Ba Đờn) – một học trò hiếm hoi của ông tổ Trần Văn Sô – và tận mắt thấy quá trình tạo nên một cây đàn ghita chất lượng.
Khoa học công nghệ phát triển giúp cuộc sống của mọi người thỏa mái và tiện lợi hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng không thể thiếu những giá trị truyền thống, chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa lâu đời. “Nhịp sống trẻ” phát sóng vào 18g30 thứ tư (19/2/2013) trên HTV3 sẽ cho chúng ta cái nhìn thú vị về những ngành nghề truyền thống lẫn hiện đại.