Thông qua trung tâm hỗ trợ sinh viên hoặc các trang tìm kiếm thông tin, bạn có thể dễ dàng tìm được một phòng trọ có mức giá và các điều kiện ban đầu phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cá nhân. Tuy nhiên đó mới chỉ là bước đầu trong “hành trình” ở trọ của sinh viên. Phải thực sự sống trong đó mới được chứng kiến những câu chuyện dở khóc dở cười.
Đầu tiên là muôn vàn các vấn đề nảy sinh với chủ nhà trọ, từ những quy định không giống ai cho tới việc tăng các khoản chi phí phòng trọ một cách bất hợp lý. Tiền phòng luôn là vấn đề nhạy cảm và được cân nhắc đầu tiên khi tìm phòng trọ, thế nhưng nhiều chủ trọ luôn tìm cách thu các khoản phí để lấy thêm tiền từ sinh viên. Phổ biến là tiền điện, nước và internet. Từ bao năm nay, giá điện được nhiều chủ nhà trọ tại TP.HCM áp dụng cho người thuê nhà ở mức 3.000 – 4.000 đồng/số, họ phớt lờ hết mọi quy định về mức giá điện cho người thuê trọ. Mức giá này đắt gần gấp 3 lần quy định và luôn được tăng dần với lí do vật giá tăng cao, tiền điện bơm nước tốn kém… Vì không muốn ảnh hưởng đến việc học nhiều bạn đã chấp nhận trả thêm tiền nhưng vẫn chưa thoát khỏi các quy định “khác người” của chủ trọ. Không được gây tiếng động sau mười giờ tối, khóa cổng sau hai mươi ba giờ, ra khỏi nhà trước bảy giờ sáng… là những quy định thường có tại các nhà trọ. Rồi những khoản chi phí tự phát sinh như: sạc điện thoại 1.000 đồng/lần, nấu cơm 2.000 đồng/lần, xài laptop 40.000 đồng/tháng, bóng đèn học 15.000 đồng/tháng, bóng đèn nhà vệ sinh 5.000 đồng/tháng… đã khiến nhiều bạn không thể chấp nhân được nên phải thường xuyên chuyển đi nơi khác.
Nhiều bạn muốn san sẻ gánh nặng tiền nhà nên đã tìm người ở ghép. Tuy nhiên giải pháp này lại kéo theo không ít rắc rối. Rủi ro đầu tiên là có thể bị mất cắp tiền hay đồ dùng trong phòng, đó là chưa kể đến những mâu thuẫn phát sinh với bạn cùng phòng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn “ngán ngẩm” khi nghĩ tới cảnh ở ghép. Để tạo điều kiện cho sinh viên, nhiều trường đại học đã thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên hoặc phối hợp với các trung tâm giới thiệu phòng trọ cho sinh viên trường mình, phần nào giảm gánh nặng, giúp các bạn tập trung cho học tập. Hiệu quả đã có nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu tìm chỗ ở của rất nhiều sinh viên hiện nay.
Vậy các bạn sinh viên đã làm gì để thích nghi, hòa nhập với cuộc sống tại các nhà trọ và đảm bảo việc học cho mình? Mời các bạn giao lưu cùng nhà báo Trần Trọng Tú, lắng nghe chia sẻ từ chính những người trong cuộc và tìm ra giải pháp cho mình trong chương trình “Nhịp cầu tuổi trẻ” phát sóng lúc 18g30 thứ sáu – ngày 03/01/2013 trên HTV3.